Giấy phép xây dựng là gì? Thủ tục cấp giấy phép xây dựng năm 2022 như thế nào? Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm những gì?
“Các vấn đề liên quan đến pháp lý trong xây dựng luôn là vấn đề đáng lo ngại cho những ai chưa hiểu rõ về pháp luật xây dựng.” – Dr. Việt chia sẻ.
1. Giấy phép xây dựng là gì?
Giấy phép xây dựng là một loại giấy tờ do cơ quan nhà nước cấp (theo mẫu mã của bộ xây dựng), nó xác nhận việc cho phép cá nhân, tổ chức được phép thực hiện việc xây dựng nhà, công trình kiến trúc, v.v, theo nguyện vọng trong phạm vi được cấp phép. Đây là một loại giấy tờ hữu hiệu để tổ chức thực thi quy hoạch đô thị đã được duyệt. Qua đó để xác định được người dân có xây dựng đúng quy hoạch hay không.
Ở mỗi quốc gia khác nhau sẽ có những quy định khác nhau, ở Việt Nam trình tự, thủ tục xin và cấp giấy phép xây dựng được quy định trong Luật, Nghị định, Thông tư và các hướng dẫn thi hành chi tiết.
2. Nội dung giấy phép xây dựng
- Địa điểm, vị trí xây dựng công trình, và tuyến xây dựng công trình
- Loại, cấp công trình xây dựng
- Cốt xây dựng công trình
- Chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng
- Bảo vệ môi trường và an toàn công trình
- Đối với công trình dân dụng, công trình công nghiệp trong đô thị, ngoài các nội dung trên thì còn phải có nội dung về diện tích xây dựng công trình, chiều cao từng tầng, chiều cao tối đa công trình, màu sắc công trình, v.v.
- Những nội dung khác quy định đối với từng loại công trình
- Hiệu lực của giấy phép xây dựng
3. Nội dung cấp giấy phép xây dựng
3.1. Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng
Tùy thuộc vào đối tượng xin cấp giấy phép xây dựng, Pháp luật quy định như sau:
- Bộ Xây dựng có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng c đối với công trình cấp đặc biệt;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp cho Sở Xây dựng thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng cấp I, cấp II; công trình tôn giáo, công trình di tích lịch sử – văn hóa, công trình tượng đài, tranh hoành tráng đã được xếp hạng thuộc địa giới hành chính do mình quản lý; những công trình trên các tuyến, trục đường phố chính trong đô thị theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; công trình thuộc dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; công trình thuộc dự án và các công trình khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp;
- Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng với các công trình còn lại và nhà ở riêng lẻ ở đô thị, bao gồm cả nhà ở riêng lẻ trong khu vực đã được Nhà nước công nhận bảo tồn thuộc địa giới hành chính do mình quản lý, trừ các đối tượng thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể phân cấp cho Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; Ban quản lý các khu đô thị cấp giấy phép xây dựng cho các công trình thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan này, trừ các công trình thuộc thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của Bộ Xây dựng.
- Ủy ban nhân dân xã cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại những điểm dân cư nông thôn đã có quy hoạch được duyệt.
3.2. Hồ sơ xin cấp phép xây dựng
- Đơn đề nghị xin cấp giấy phép xây dựng
- Bản sao có chứng thực các giấy tờ có liên quan quyền sử dụng đất theo quy định của Pháp luật
- Hai bộ bản vẽ thiết kế kiến trúc do đơn vị tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực thực hiện và đã được chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt theo quy định của nhà nước (nội dung này được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 10/2012/TT-BXD)
- Hồ sơ kỹ thuật thửa đất (bản trích lục khu đất) có công chứng
- Mặt bằng vị trí lô đất và mặt bằng định vị công trình
- Bản vẽ hiện trạng nhà củ (nếu có)
- Phần hồ sơ kiến trúc
- Phần hồ sơ cấu tạo
- Phần hồ sơ kỹ thuật, thuyết minh về phương án thi công
3.3. Trình tự xin cấp giấy phép xây dựng
- Bước 1: Chủ đầu tư nộp trực tiếp 1 bộ hồ sơ cho cơ quan cấp giấy phép xây dựng.
- Bước 2: Trong vòng 10 ngày, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành thẩm định, kiểm tra và thông báo cho chủ đầu tư nếu bổ sung các giấy tờ.
- Bước 3: Bổ sung hoàn thiện hồ sơ (tối đa 02 lần).
- Bước 4: Thời hạn cấp giấy phép xây dựng không quá 20 ngày.
4. Vấn đề liên quan đến giấy phép xây dựng
Theo khoản 5 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi thi công sai giấy phép xây dựng như sau:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 VND đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại Điểm b và Điểm c trong điều khoản này.
- Phạt từ 10.000.000 – 20.000.000 VND đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị.
- Phạt tiền từ 30.000.000 – 50.000.000 VND đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình hoặc phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình.